photo 10696457_519067298230587_231094052924001730_n_zpscfcd8d8c.jpg

DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT THÁP NHẠN

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT THÁP NHẠN

Núi Nhạn – sông Đà Rằng được xem là biểu tượng của Phú Yên. Đây là thắng cảnh đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đối với du khách khi đặt chân đến Phú Yên. Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc phường I, thành phố Tuy Hòa. Đứng ở độ cao 64m trên đỉnh núi Nhạn, du khách có thể ngắm nhìn vẻ đẹp toàn cảnh thành phố Tuy Hòa nằm bên bờ biển Đông và dòng sông Đà Rằng với 4 cây cầu đường sắt và đường bộ chạy song song qua sông.

Trên đỉnh núi Nháp có tòa tháp Nhạn - là một di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm pa, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11. Tháp có bình đồ hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10 mét. Tháp có chiều cao khoảng 25 mét bao gồm ba phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp. Đế tháp vững chãi, thân tháp đồ sộ vươn cao trang trí các trụ ốp tường với những đường rãnh ăn sâu vào thân tháp để làm tăng lên nét thanh thoát, mái tháp thu nhỏ dần với ba tầng theo mô típ tầng trên là hình dáng thu nhỏ của tầng dưới. Đỉnh tháp là chóp đá mang hình tượng Lin ga – một di vật thiêng liêng theo quan niệm của người Chăm.

Cửa chính của Tháp Nhạn quay mặt về hướng đông, các mặt còn lại của thân tháp và trên các tầng mái đều bố trí cửa giả trang trí nhiều họa tiết hoa văn mang các chủ đề về tôn giáo.

Lòng Tháp Nhạn có diện tích khoảng 25 mét vuông, tường xây theo kỹ thuật giật cấp, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng.

Vật liệu xây dựng xây dựng chủ yếu của Tháp Nhạn là loại gạch có kích thước lớn với chiều dài 40cm, chiều rộng 20cm và chiều dày 8cm, được xếp liền khít nhau, tạo nên tường tháp dày tới 2,5m. Sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tạo cho di tích Tháp Nhạn vừa mang dáng vẻ vững chắc, vừa thanh thoát và có tính thẩm mỹ cao. Trong khuôn viên núi Nhạn có hơn 400 loài thực vật  đang sinh sống.

Ngót ngàn năm trôi qua, dù trầm mặc dưới trời mưa bay, rực rỡ trong nắng chiều tà hay lung linh khi màn đêm buông xuống, Tháp Nhạn vẫn sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử.  
   
Hằng năm vào các dịp lễ, Tết trên núi Nhạn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí. Đặc biệt vào rằm tháng Giêng (Âm lịch), nơi đây diễn ra Hội thơ Nguyên tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách gần xa về tham dự.

Ngoài ra, vào các ngày 21, 22, 23 tháng 3 (Âm lịch), nơi đây tổ chức Hội vía Bà nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của Thiên Yana thánh mẫu đã cứu dân độ thế trong một vùng đất rộng lớn trải dọc các tỉnh miền trung, các Đoàn người từ Bình Định đến Ninh Thuận về dâng lễ Bà với tấm lòng thành kính trang nghiêm.

Tháp Nhạn được bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.
                                                                           Theo phuyentourism

0 nhận xét:

Đăng nhận xét